Một số khó khăn của doanh nghiệp khi vay vốn ngân hàng
MỘT SỐ KHÓ KHĂN CỦA DOANH NGHIỆP KHI VAY VỐN NGÂN HÀNG
Các nguyên nhân như có lịch sử nợ xấu, phương án kinh doanh không khả thi, báo cáo tài chính thiếu minh bạch rõ ràng, .. là các nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp khó khăn khi vay vốn ngân hàng.
Qua tổng kết hoạt động tín dụng năm 2017 chúng ta nhận thấy mức tăng trưởng tín dụng vẫn rất cao so với năm 2016, trong khi rất nhiều doanh nghiệp nâng mức vay vốn ngân hàng tăng lên rất cao theo các chỉ số hợp lý của công cụ đòn bẩy tài chính, thì vẫn còn đó nhiều doanh nghiệm còn khó khăn khi vay tiền ngân hàng. Đâu là nguyên nhân lí giải việc tiếp cận vốn ngân hàng còn khó khăn đó? Để có cái nhìn rõ ràng hơn về các nguyên nhân dẫn tới điều này chúng ta có thể tóm lược lại các nguyên nhân chính như sau:
MỘT SỐ KHÓ KHĂN CỦA DOANH NGHIỆP KHI VAY VỐN NGÂN HÀNG
Một số khó khăn của doanh nghiệp khi vay vốn ngân hàng
Do có lịch sử nợ xấu tại các tổ chức tín dụng
Trước đây rất nhiều khách hàng coi nhẹ ý kiến nhắc nhở từ phía ngân hàng khi họ chậm đóng tiền đến hạn, cho rằng việc gặp khó khăn dẫn tới trả chậm cho ngân hàng là bình thường. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn tiền, tuy nhiên do nhiều mối ưu tiên cao hơn mà họ tạm ngưng việc thanh toán nợ cho ngân hàng khi đến hạn. Đó có thể là đến hạn trả lương nhân viên, khoản chi đột xuất cho nghỉ mát, chi tiêu cho phòng cháy chữa cháy, các khoản thuế đến hạn nộp, .. Mặc dù việc thanh toán chậm cho ngân hàng không khiến doanh nghiệp gặp ngay các phản ứng tức thì từ việc đòi nợ, giục nợ, tuy nhiên điều đó lại ảnh hưởng tới lịch sử trả nợ khoản vay được cập nhật trên thông tin CIC. Nếu một khoản vay bị thanh toán chậm quá 90 ngày, cho dù đó chỉ là 1 đồng tiền lãi thì khoản vay sẽ lập tức bị điều chỉnh thành khoản nợ xấu.
Hiện nay, các ngân hàng khi xét duyệt hồ sơ tín dụng đều quan tâm coi thông tin lịch sử trả nợ CIC là một tiêu chí quan trọng để xét duyệt cho vay. Nếu khách hàng đã có lịch sử trả nợ xấu thì chắc chắn sẽ bị từ chối cấp tín dụng.
Vì lẽ vậy mà việc trả nợ đúng hạn cho ngân hàng là điều không thể coi nhẹ. Khi lượng tiền mặt không dư thừa hay bắt đầu gặp khó khăn tài chính, các doanh nghiệp sẽ cần giải quyết bài toán cái gì cần thanh toán trước và cái nào sẽ thanh toán sau. Nếu ưu tiên việc trả nợ cho ngân hàng thì doanh nghiệp sẽ dồn nguồn lực hiện có để trả nợ trước, rồi sau đó mới tính đến các khoản cần thanh toán khác. Điều quan trọng nhất là không nên dùng tiền hiện có để ưu tiên thanh toán các khoản kém quan trọng hơn, còn trường hợp nếu đã khó khăn tài chính thì có lẽ doanh nghiệp cũng phải chấp nhận.
Phương án kinh doanh không khả thi
Các doanh nghiệp có quy mô nhỏ thường có số lượng nhân sự ít, cho nên không có điều kiện xây dựng một đội ngũ phục vụ cho việc hoạch định chiến lược, lập báo cáo nghiên cứu khả thi trước khi quyết định đầu tư. Các ý tưởng kinh doanh thường xuất phát từ ý chí của người lãnh đạo cao nhất và là lãnh đạo duy nhất tại doanh nghiệp. Như vậy các ý tưởng ít nhiều sẽ có hạn chế từ khía cạnh quan điểm của cá nhân. Rồi đến quá trình triển khai ý tưởng được thực hiện rất nghiệp dư, theo kiểu vướng đến đâu thì gỡ đến đó , không có một kế hoạch tài chính dài hạn.
Các ý tưởng không được đầu tư nghiên cứu bài bản, không thực hiện khảo sát, thử nghiệm thị trường hay phân tích rủi ro. Vì vậy mà khi chuẩn bị triển khai có thể không lường trước được các khó khăn có thể gặp phải. Do các nhân sự tại ngân hàng đã có một quá trình thâm nhập trong lĩnh vực tài chính, rất hiểu về nền kinh tế, do vậy các phương án kinh doanh của một doanh nghiệp có thể không được sự đồng tình của bộ phận xét duyệt hồ sơ. Lí do là phương án kinh doanh không khả thi, không hợp lý hoặc không đúng bản chất. Do nhận thấy khả năng phát sinh rủi ro nên các ngân hàng sẽ từ chối hồ sơ vay của khách hàng.
Các chỉ số tài chính của doanh nghiệp không tốt
Đối với việc thẩm định doanh nghiệp thì việc thẩm định báo cáo tài chính là rất quan trọng. Từ báo cáo tài chính có thể đưa ra được các chỉ số cơ bản như chỉ số thanh toán nhanh, chỉ số thanh toán hiện hành, chỉ số dòng tiền hoạt động, các chỉ số vòng quay vốn lưu động, vòng quay các khoản phải trả, các khoản phải thu, hàng tồn kho, chỉ tiêu đòn bẩy tài chính, .. Đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt thì các chỉ số tài chính sẽ nằm trong khoảng giới hạn an toàn tài chính, cùng lắm thì cũng chỉ có một hoặc hai chỉ số không đạt do đặc thù của hoạt động kinh doanh.
Số liệu tài chính không rõ ràng minh bạch
Nhiều doanh nghiệp lại không báo cáo tài chính đầy đủ hoặc trốn thuế không khai báo doanh thu phát sinh. Các nguyên tắc tài chính không theo quy chuẩn khoa học mà theo cảm tính của chủ doanh nghiệp, chẳng hạn không cân đối lượng hàng tồn kho để ứ thừa quá nhiều gây lãng phí nguồn lực, hay vay mượn quá nhiều ảnh hưởng tới cân bằng tài chính của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thuộc dạng này sẽ có báo cáo tài chính rất kém, không đầy đủ, và không có cơ sở để xét duyệt cho vay, cho dù phía ngân hàng cũng rất muốn cho vay nhưng báo cáo tài chính lại không chứng minh được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp lại có đến hai hệ thống báo cáo tài chính bao gồm báo cáo nội bộ và báo cáo tài chính nộp thuế. Số liệu doanh thu lợi nhuận trên báo cáo tài chính nộp thuế rất nhỏ so với báo cáo tài chính nội bộ. Các khoản doanh thu phát sinh không được xuất hóa đơn nên không được ghi nhận là doanh thu hợp lệ, .. Điển hình như các doanh nghiệp về ăn uống, hàng tiêu dùng, dịch vụ, ..
Một trường hợp phổ biến nữa là các báo cáo tài chính của doanh nghiệp đều không được kiểm toán. Đây là một bài toán cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp nhỏ. Do vậy chất lượng báo cáo tài chính chưa được kiểm chứng, không đủ độ tin cậy. Đây cũng là nguyên nhân gây khó khăn, thiếu căn cứ để phê duyệt cho vay.
Các nguyên nhân trên đây là một số lí do chính khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn khi vay tiền ngân hàng. Đây cũng vừa là nguyên nhân khách quan, cũng vừa là nguyên nhân chủ quan. Để cải thiện được tình hình này, cần sự cố gắng hơn từ phía các doanh nghiệp. Trước hết các doanh nghiệp cần chủ động minh bạch các báo cáo tài chính theo hướng sát thực hơn với tình hình kinh doanh, để các số liệu kinh doanh thật sự thuyết phục bất cứ đối tác nào trong đó có ngân hàng. Ngoài ra, phía ngân hàng cũng nên cải tiến các sản phẩm để phù hợp hơn với đặc thù tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn quá độ hiện tại, khi các chuẩn mực tài chính kế toán chưa được thực hiện nghiêm túc bài bản.
Nội dung bài viết của bạn về sản phẩm: Chú ý: Không chấp nhận định dạng HTML!
Đánh giá: Kém Tốt
Nhập mã số xác nhận bên dưới: